Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Túi tự hủy sinh học: Chọn đúng như thế nào ?

"Túi tự hủy sinh học" (biodegradable) là loại túi cũng sử dụng một lần nhưng được cho là "phân hủy" nhanh hơn túi nylon bình thường, nên dĩ nhiên là cũng tốt hơn cho môi trường.
Phân biệt các khái niệm
Hiện nay, trên thị trường, rất nhiều loại túi nilon được quảng cáo là tự hủy hoặc phân hủy sinh học được bày bán, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể tìm mua loại túi này tại siêu thị, mức giá dao động từ 60 - 90 nghìn đồng/cuộn (tùy từng nhãn hiệu) được sản xuất bằng cách tận dụng từ nguồn phế liệu bã mía, xơ dừa… hay dùng nguyên liệu bột bắp. Một số loại túi phân hủy sinh học của Đức, Hà Lan, Nhật Bản… có giá cao hơn từ 50 - 60 nghìn so với sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phân biệt rõ giữa túi nilon tự hủy và nilon phân hủy sinh học để tránh nhầm lẫn. Túi phân hủy sinh học (thường có xuất xứ từ Đức, Hà Lan, Nhật…) khi có tác dụng của vi sinh vật có trong môi trường (đặc biệt là ở môi trường có mật độ vi sinh vật cao) sẽ chuyển hóa thành CO2 và H2O (nước) hoặc tạo thành chất hữu cơ đơn giản và hòa tan trong môi trường. Còn túi nhựa tự hủy chỉ vỡ vụn thành những mảnh có kích thước rất nhỏ sau một thời gian bị tác động của loại hóa chất mà nhà sản xuất dùng để sản xuất sản phẩm này, sau đó vẫn phát tán trong môi trường.
Chọn đúng túi phân hủy sinh học - Ảnh 1.
Theo TS. Nguyễn Trung Việt, trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM: "Về bản chất, túi nhựa tự hủy chỉ thay đổi về mặt kích thước của vật liệu sau một thời gian phân rã, chứ bản chất của nguyên liệu dùng sản xuất ra chúng không hề thay đổi. Do đó, túi nhựa tự hủy hoàn toàn không có ý nghĩa gì về bảo vệ môi trường, thậm chí còn có tác hại nhiều hơn. Bởi phế thải nhựa càng vụn càng phát tán trong môi trường nhanh, rộng và càng khó xử lý..."
Chọn mua túi phân hủy sinh học
Bằng những khái niệm như "phân hủy" hay "sinh học" dễ gây nhầm lẫn, không được chứng minh rõ ràng, người sử dụng dễ dàng yên tâm rằng mình đang có một lựa chọn thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thực tế chứng minh có nhiều sản phẩm tự hủy cũng chỉ dừng ở việc quảng cáo. Vậy làm sao để phân biệt và nhận biết?
Khi chọn mua túi phân hủy sinh học, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có dán nhãn xanh của các đơn vị uy tín. Chỉ cần nhìn thấy trên sản phẩm đó có gắn một trong số mác sau là bạn có thể yên tâm:
- Biogradable Product institute (BPI): Sản phẩm sẽ phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
- European Bioplastic:  Sản phẩm sẽ phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
- Vincotte OK bio based: Sản phẩm làm từ thực vật, không có nghĩa là sản phẩm này sẽ phân hủy.
- Vincotte OK compost:  Sản phẩm phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
- Vincotte OK compost HOME: Sản phẩm sẽ phân hủy trong điều kiện tự ủ tại nhà.
- Vincotte OK biodegradable SOIL: Sản phẩm sẽ phân hủy chỉ cần chôn dưới đất.
- Vincotte OK biodegradable WATER: Sản phẩm sẽ phân hủy trong nước.
Chọn đúng túi phân hủy sinh học - Ảnh 2.
Nilon phân hủy sinh học khi sờ vào trơn mượt, thường có màu trắng hoặc trong suốt, không phong phú về màu sắc. Ngoài ra, bạn có thể xác định sản phẩm phân hủy sinh học được mua về có độc hay không bằng cách đốt cháy. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, không bốc khói thì tính độc hạn chế, ngược lại nếu sản phẩm khó cháy, cháy không sùi bọt nhưng bốc khói, có mùi lạ... thì tính độc càng cao.
Thực tế là, các khái niệm như "phân hủy" hay "sinh học" dễ gây nhầm lẫn, không được chứng minh rõ ràng, người sử dụng dễ dàng yên tâm rằng mình đang có một lựa chọn thân thiện với môi trường mà quên đi rằng việc giảm sử dụng chúng mới là quan trọng nhất. Và dù nó là chất liệu nhựa hay gì khác, cách sử dụng chúng tốt nhất là hãy dùng đi dùng lại. Chiếc túi dùng nhiều lần mà bạn tự mang theo khi đi mua sắm, mới chính là chiếc túi "xanh" nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét